* Quá trình hình thành phát triển

Khoa Kế toán - Kiểm toán ra đời gắn liền với sự ra đời của trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh. Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh được nâng cấp thành trường đại học từ năm 2012. Tiền thân của trường là Trường Cao đẳng Tài chính kế toán I và trường Cao đẳng bán công Quản trị kinh doanh.

Đến nay, trải qua 56 năm xây dựng và phát triển, Khoa Kế toán - Kiểm toán luôn là khoa đứng đầu về số lượng sinh viên trong nhà trường. Khoa có bề dày truyền thống trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ kế toán, kiểm toán có năng lực chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp. Các thế hệ sinh viên của khoa sau khi ra trường, có rất nhiều người đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, trong các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.

* Chuyên ngành đào tạo: Kiểm toán

Tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, C03.

* Thời gian và tín chỉ tích lũy:

  • Thời gian đào tạo cử nhân: 3,5 năm.
  • Tổng số tín chỉ tích lũy: 127 tín chỉ.

* Mục tiêu đào tạo:

Mục tiêu chung: Đào tạo cử nhân ngành Kiểm toán có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt; có trách nhiệm với xã hội; nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế, xã hội, quản trị, quản lý; có kiến thức, kỹ năng chuyên ngành và các kỹ năng khác để giải quyết các vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán; có năng lực tự học tập bổ sung kiến thức đáp ứng yêu cầu của công việc.

 Mục tiêu cụ thể: Các ngành học của khoa đào tạo theo phương châm cầm tay chỉ việc, học gắn với thực hành tại các doanh nghiệp. Với mỗi ngành học, sinh viên đều được thực tập một số học phần chuyên ngành tại các doanh nghiệp, giúp sinh viên tiếp cận thực tế ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Mục tiêu cụ thể là đào tạo các cử nhân kế toán, kiểm toán đáp ứng các yêu cầu cả về kỹ năng cứng và kỹ năng mềm:

- Có ý thức chấp hành nghiêm túc pháp luật của Nhà nước và nội quy của đơn vị công tác.

- Năng động, chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và áp dụng sáng tạo trong công việc.

- Vận dụng được những kiến thức cơ bản về kinh tế, xã hội vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán.

- Có kiến thức thực tiễn về kế toán, kiểm toán, tiếp cận và hoàn thành tốt các vị trí công việc được phân công.

- Có kỹ năng điều tra chọn mẫu, lập và thiết kế công việc kiểm toán; kỹ năng đọc, phân tích báo cáo tài chính, kỹ năng kiểm tra phát hiện sai phạm, kỹ năng tư vấn;

- Sử dụng được ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng, phương pháp, công cụ liên quan để phục vụ công việc; có khả năng cập nhật kiến thức mới nhằm đáp ứng nhu cầu công việc và học tập nâng cao trình độ.

- Có kỹ năng hoạt động độc lập và phối hợp hoạt động trong tổ chức; phong cách làm việc chuyên nghiệp.

 * Cơ hội thực tế và rèn luyện kỹ năng:

- Theo chủ trương của Nhà trường- Đào tạo theo hướng ứng dụng, Khoa Kế toán – Kiểm toán đã đề xuất xây dựng mô hình thực hành ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường cho sinh viên các ngành của Khoa.

Sinh viên chuyên ngành Kiểm toán được tiếp cận thực hành với học phần Thực hành Kiểm toán Báo cáo tài chính. Với học phần này, sinh viên được trang bị khá đầy đủ các kỹ thuật kiểm toán báo cáo tài chính các phần hành cơ bản. Dữ liệu sử dụng trong quá trình thực hành của sinh viên là dữ liệu phát sinh tại một số doanh nghiệp trong thực tế. Sinh viên trong quá trình thực hành, được trang bị kỹ năng phân tích, tổng hợp, thu thập dữ liệu trên exel - công cụ hữu hiệu trong kiểm toán.

Sinh viên ngành Kiểm toán cũng được các giảng viên Bộ môn Kiểm toán và Khoa đưa đến các công ty Kiểm toán danh tiếng tìm hiểu thực tế các phương pháp và kỹ thuật kiểm toán trong từng loại hình doanh nghiệp cụ thể như Công ty TNHH Kiểm toán Assco, Công ty TNHH Grant thornton Việt Nam, Công ty TNHH CPA Việt Nam.. Với việc thực hành kiểm toán báo cáo tài chính trên số liệu thực tế một số loại hình doanh nghiệp và đến doanh nghiệp kiểm toán tìm hiểu về các phương pháp, kỹ thuật kiểm toán trong thực tế, sinh viên ngành kiểm toán đã có kỹ năng làm việc thực tế rất tốt ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Và sau khi ra trường, sinh viên ngành Kiểm toán đã nhanh chóng có việc làm tại các vị trí rất tốt với mức lương khá cao.

Media/1_TH1063/FolderFunc/202109/Images/1-20210902035231-e.png
Media/1_TH1063/FolderFunc/202109/Images/2-20210902035233-e.png

Hình ảnh sinh viên chuyên ngành Kiểm toán trải nghiệm thực tế tại Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam.

- Bên cạnh đó, 100% sinh viên được trang bị kỹ năng mềm cần thiết trong chương trình học và chương trình ngoại khóa; đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tin học sau khóa học.

- Sinh viên có cơ hội tiếp cận với các đề tài nghiên cứu khoa học, thực hiện hoá ý tưởng sáng tạo trong sinh viên.

Bên cạnh việc đi thực tế tại doanh nghiệp, Khoa Kế toán – Kiểm toán cũng thường mời các chuyên gia về kế toán kiểm toán đang hoạt động thực tiễn tại doanh nghiệp để chia sẻ những cơ hội, thách thức, trải nghiệm nghề nghiệp cho các bạn sinh viên của Khoa. Không chỉ hoạt động đào tạo, các hoạt động phong trào của sinh viên Khoa Kế toán – Kiểm toán cũng rất được Ban lãnh đạo Khoa, Liên chi Đoàn Khoa quan tâm. Hội thi SV Kế toán do Khoa Kế toán và Liên chi Đoàn Khoa tổ chức từ năm 2013 đến nay đã được sinh viên hưởng ứng nhiệt tình, được Ban Giám hiệu nhà trường và các đơn vị trong trường đánh giá cao.

Media/1_TH1063/FolderFunc/202109/Images/3-20210902035231-e.png

Hình ảnh Hội thi SV Kế toán của sinh viên Khoa Kế toán – Kiểm toán

Khoa Kế toán – Kiểm toán cũng thường xuyên tổ chức các buổi Tọa đàm, chia sẻ, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các diễn giả thành công trên các lĩnh vực kinh doanh.

Media/1_TH1063/FolderFunc/202109/Images/4-20210902035232-e.png

Hình ảnh buổi Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Kế toán kiểm toán” với sự tham gia của Shark Nguyễn Thanh Việt – Giám khảo Shark Tank Việt Nam – Chủ tịch HĐQT Intracom Group và các CEO của tập đoàn.

Các hoạt động thể thao, văn nghệ cũng được Liên Chi Đoàn Khoa Kế toán – Kiểm toán hết sức chú trọng. Mục tiêu rèn trí – đức – thể - mỹ cho thế hệ cán bộ tài chính kế toán tương lai.

* Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp:

Với việc thiết kế chương trình đào tạo khoa học và phù hợp với thực tiễn, sinh viên tốt nghiệp ngành Kiểm toán có nhiều cơ hội tiếp cận các vị trí việc làm như sau:

- Trợ lý kiểm toán viên tại các công ty kiểm toán độc lập, cơ quan kiểm toán Nhà nước;

- Kiểm soát viên, kiểm toán viên nội bộ, kế toán viên, nhân viên quản lý tài chính ở các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp và các cơ quan tổ chức;

- Cán bộ nghiên cứu, giảng viên về kế toán – kiểm toán tại các trường, viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kế toán – kiểm toán.

* Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường:

 - Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có đủ trình độ tham gia các khóa học, bồi dưỡng nâng cao và chứng chỉ Kế toán – Kiểm toán trong và ngoài nước;

- Sinh viên học đủ điều kiện học bằng đại học thứ 2 của các chuyên ngành liên quan và học bậc sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) của các chuyên ngành kinh tế, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

- Sau khi tốt nghiệp sinh viên có khả năng tự học tập, nghiên cứu và thực hiện các hoạt động để phát triển thành các nhà quản lý ở các cấp khác nhau.